Chuyển đổi số (CĐS) là một nhiệm vụ mới và yêu cầu triển khai cấp bách, kịp thời nhằm phục vụ một cách tốt nhất về lợi ích cho toàn thể người dân. Do vậy, các nhiệm vụ, giải pháp phải được triển khai đồng bộ, khoa học. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện, góp phần vào thành công chung trong lộ trình CĐS của xã nhà.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ CĐS, trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận nhất trí cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng. Vì vậy, UBND xã đã chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể, các thôn, Tổ công nghệ số cộng đồng tập trung thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến mọi đối tượng về nhiệm vụ này. Trong đó, tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, tỉnh, huyện, của địa phương về CĐS; Sự cần thiết của CĐS cũng như các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng; các giải pháp phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS của xã; tuyên truyền về việc chuyển đổi, phát triển và ứng dụng các hạ tầng thiết yếu cho hệ thống, mạng lưới và dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của UBND xã. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện đơn vị, cơ sở mình: tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nội dung; sao gửi tài liệu đến các đối tượng tự nghiên cứu; viết, soạn tin, bài về CĐS, công nghệ số đăng phát trên trang thông tin điện tử, hệ thống đài truyền thanh; hướng dẫn, triển khai các bước ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...
Các Ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền nhiệm vụ CĐS đến từng cán bộ, công chức, viên chức và hội viên theo đặc thù nhiệm vụ nhằm đưa kỹ năng số đến với cộng đồng nhiều hơn và nhanh hơn. Tại cơ sở thôn, xóm công tác tuyên truyền về CĐS được triển khai trực tiếp theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số. Đối tượng, hình thức tuyên truyền CĐS được thực hiện theo điều kiện làm việc, trình độ và khả năng sử dụng công nghệ số của người dân, nhất là các đối tượng đặc thù, để đảm bảo phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất cùng với việc nâng cao kỹ năng số cho lực lượng nồng cốt làm hạt nhân để tuyên truyền về CĐS. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông để cung cấp và hỗ trợ đưa dịch vụ số đến với người dân.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nói đi đôi với làm, “cầm tay chỉ việc”, nội dung nhiệm vụ CĐS đã nhanh chóng đi vào đời sống, đến với các thành phần trong xã hội và được thực thi rộng khắp, góp phần quan trọng thực hiện nhanh công tác CĐS. Người dân đã thấy được sự quan trọng của CĐS và chủ động tiếp cận, học hỏi, mạnh dạn tương tác với chính quyền, doanh nghiệp thông qua các dịch vụ số cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên môi trường số, tuân thủ các quy tắc về sử dụng dịch vụ số, ứng xử trên mạng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân.
Thời gian tới, các Ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về CĐS bằng các hình thức phù hợp để người dân, doanh nghiệp hiểu hết ý nghĩa của CĐS. Trong đó, mỗi một cán bộ, đảng viên phải chủ động, tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ CNTT, sẵn sàng tham gia tuyên truyền để lan tỏa lợi ích, ý nghĩa của ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS trên địa bàn./.
Thực hiên: BBT